Hòn Cau là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc của huyện Tuy Phong ( Bình Thuận), nơi hội tụ nhiều loài quý hiếm. Ảnh: KBT.

Các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ ở vùng biển Hòn Cau mới có. Đặc biệt nơi đây cũng là “mái nhà” của rùa biển.

Không còn nghề khai thác tận diệt ở Hòn Cau

Hòn Cau là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc của huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cách bờ 9 km và cách TP Phan Thiết khoảng 110km về hướng đông bắc. Trong đó, diện tích phần nổi của đảo Hòn Cau khoảng 1,4km 2, nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 37m.

Vùng biển Hòn Cau có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều loài hải đặc sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học. Đặc biệt các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ ở vùng biển Hòn Cau mới có.

Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, đối với rạn san hô có 234 loài thuộc 61 giống, 18 họ san hô cứng tạo rạn, 28 loài san hô mềm, 2 loài san hô sừng và 2 loài thủy tức san hô. Rong và cỏ biển ở vùng biển Hòn Cau có độ phủ

Cá ở rạn san hô nhiều vô kể với khoảng 324 loài thuộc 115 giống và 41 họ như: Cá thia, cá bướm, cá mó, cá hồng, cá đuôi gai, cá sơn… Còn thân mềm có 119 loài thuộc 71 giống và 42 họ thân mềm. Bên cạnh đó có 46 loài giáp xác, trong đó có nhiều loài quan trọng như tôm hùm bông và tôm hùm đỏ.

Cá ở vùng biển Hòn Cau có các giống như cá trích, cá mú, cá cơm, cá suốt… Đặc biệt, vùng biển Hòn Cau hiện còn nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như rùa biển, trai tai tượng…

Hiện Khu Bảo tồn biển Hòn Cau có các rạn san hô có độ bao phủ cao. Ảnh: KBT.

Ông Trương Ngọc Giao, Giám đốc Khu Bảo tồn biển Hòn Cau cho biết: Để bảo vệ nguồn lợi hải sản quý hiếm, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập vào tháng 11/2010, với tổng diện tích 12.500ha, trong đó diện tích biển 12.360ha, diện tích đất (đảo Hòn Cau) 140ha và được chia thành 4 phân vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (2 khu vực) với diện tích 1.250ha; vùng đệm (2 khu vực) với diện tích 1.210ha; vùng phục hồi sinh thái 808ha và vùng phát triển 9.232ha.

Theo ông Giao, từ tháng 7/2011, khi Khu Bảo tồn biển Hòn Cau chính thức đi vào hoạt động, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rùa biển. Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến đảo cũng có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa và bỏ rác thải đúng nơi quy định.

Qua theo dõi cho thấy, hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển được duy trì ổn định, có xu hướng phục hồi đa dạng sinh học qua các năm. Đặc biệt, một số ngành nghề khai thác tận diệt như khai thác chất nổ, giã cào bay, xung điện hầu như không còn xuất hiện trong phạm vi khu bảo tồn biển…

Khu Bảo tồn biển Hòn Cau chung tay bảo vệ rùa biển. Ảnh: KBT.

Bãi đẻ của rùa biển

Cũng theo ông Giao, từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là mùa rùa biển sinh sản. Lúc ấy rùa lên “mái nhà” đảo Hòn Cau đẻ trứng. Đây cũng là thời điểm anh em tại khu bảo tồn thay nhau thức đêm canh để đi kiểm tra, theo dõi rùa lên sinh sản. Và, điều đáng mừng là số lượng rùa biển trở về sinh sản tại Hòn Cau ngày càng thường xuyên và ổn định.

Rùa biển xem Hòn Cau là mái nhà để quay về sinh sản. Ảnh: KBT.

Chị Lưu Yến Phi, một nhân viên của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã gắn bó nơi đây từ khi thành lập cho đến nay, cho biết: Hiện công tác bảo tồn rùa biển ở trên đảo có đội tuần tra gồm 4 người. Ban ngày anh em thường xuyên tuần tra trên biển, còn buổi tối làm công tác bảo vệ rùa biển. Vào mùa sinh sản của rùa, anh em văn phòng sẽ được tăng cường hỗ trợ cho đội tuần tra thay nhau thức đêm canh chờ rùa lên đẻ trứng.

Chị Phi chia sẻ, rùa biển muốn vào khu vực nào để đẻ trứng thì từ 12 giờ đến chiều, chúng sẽ lên ngóng bãi để kiểm tra khu vực đó có an toàn sinh sản hay không. Nếu thấy an toàn thì ban đêm chúng sẽ lên đẻ trứng.

Vì vậy, để cho rùa yên tâm lên đẻ, Khu Bảo tồn sẽ không cho khách du lịch đi dọc khu vực biển đó. Hơn nữa rùa có đặc điểm nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Vì vậy khi anh em ra khu bãi đẻ của rùa sẽ tắt hết đèn hoặc dùng đèn ánh sáng cam, đỏ, tím là những màu sắc rùa không thấy được.

Còn để tránh tiếng động mạnh khiến rùa bị giật mình, bò lại xuống biển, mọi người phải ẩn nấp ở khu vực nào cao, không gây tiếng động mạnh. Rùa có đặc điểm nữa là khi lên bờ sẽ đào rất nhiều ổ để ngụy trang và đến ổ chính thức thì mới đẻ. Khi rùa đã đẻ trứng, có thể tới để đo được kích thước, xác định chủng loài.

Trứng rùa đẻ được đưa về khu ấp trứng trên Khu Bảo tồn biển Hòn Cau để bảo vệ. Ảnh: KBT.

“Vào mùa này, anh em đều mang chăn gối ra bãi biển nằm chờ. Nếu rùa lên bờ đẻ là biết ngay bởi âm thanh đào đất sột soạt làm ổ. Nhiều khi công việc này của anh em thức trắng đêm để chờ rùa đẻ là chuyện bình thường xảy ra.

Vì nhiều khi rùa lên bờ đẻ bất cứ lúc nào, thậm chí 2 – 3 giờ sáng, anh em phải ngồi chờ 3 tiếng đồng hồ sau rùa mới đẻ xong. Sau đó đưa trứng về bãi ấp trên đảo (trên đảo có làm khu ấp trứng rùa) để hoàn tất công việc thì trời đã sáng tỏ.

Chị Linh cho biết thêm, trứng rùa mang về được bỏ xuống ổ được làm y chang ổ tự nhiêu của rùa. Sau đó sẽ lấp đất lại đ.ánh dấu và ghi ngày tháng đầy đủ để theo dõi việc rùa nở. Tính từ ngày ấp đến ngày rùa con nở tầm 45 – 60 ngày (tùy theo nhiệt độ). Việc ấp này giúp rùa nở với tỷ khá cao từ 77 – 80%, đặc biệt giúp bảo vệ nghiêm ngặt việc trứng hay rùa con bị xâm phạm.

Rùa đang đào ổ để đẻ trứng. Ảnh: KBT.

Theo chị Phi, qua theo dõi, một con rùa mới trưởng thành lên Hòn Cau đẻ với số lượng lên đến 154 trứng và có thể đẻ từ 3 – 5 lần trong năm. Thời gian rùa đẻ lại lần tiếp theo cách nhau từ 14 – 16 ngày. Tức nhiên số lượng trứng ở các lần đẻ tiếp theo cũng sẽ giảm dần so với lần đẻ đầu tiên. Đặc biệt qua theo dõi rùa bằng việc bấm thẻ vây cho thấy, rùa quay lại Hòn Cau đẻ cũng rất khả quan.

Theo thống kê sơ bộ, qua 9 năm, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã có khoảng 70 ổ của rùa lên đẻ hơn 6.000 trứng. Trong đó, khoảng 4.500 rùa con được nở và thả về tự nhiên. Riêng năm 2021, đến thời điểm này có 8 ổ của rùa lên đẻ được 750 trứng, với tỷ lệ rùa con nở đạt 77%.